HIỆU QUẢ TỪ MỘT NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ
Công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được xem là chiến lược ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia. Với quan điểm đó những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này. Công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 31%, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai dịch bệnh xảy ra thường xuyên, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt, hậu quả của chiến tranh để lại còn khá nặng nề, nên Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em khuyết tật cao. Trẻ em khuyết tật thường ít có may mắn được chăm sóc, không tiếp cận được với những dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, mặt khác nhiều gia đình không có đủ khả năng chi phí để đến bệnh viện, điều trị phẫu thuật cho cho con em mình. Trẻ em bị khuyết tật khi tham gia học tập sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập hòa nhập cộng đồng. Những trẻ em khuyết tật về mắt, vận động, sứt môi hở vòm không gây ra tai biến tức thời nhưng nếu không được chữa trị các khuyết tật ấy có thể gây ra bất ổn, căng thẳng, chậm phát triển nếu không có cơ hội phẫu thụât hòa nhập cộng đồng và gây khó khăn cho cuộc sống. Đối với những em bị các dị tật về mắt, tim bẩm sinh cần được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời mới có thể ngăn chặn và giảm thiểu khuyết tật mà các em phải gánh chịu, giúp các cháu sớm bình phục và hòa nhập cộng đồng.
Trước tình hình đó, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em vì một thế hệ tương lai phát triển khỏe mạnh, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 30/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ ngân sách địa phương cho Quỹ Bảo trợ trẻ em giai đoạn 2011-2015, theo Nghị quyết này, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh được bố trí hơn 5,5 tỷ đồng để đảm bảo kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh nặng, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
(Khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em)
Đến nay sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí vận động trong xã hội, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể; sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng nên các chương trình chăm sóc, trợ giúp trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm rõ rệt, số trẻ em được chăm sóc thường xuyên tăng từ 4.055 em (năm 2010) lên 9.751 trẻ em (năm 2015), trong 5 năm đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 230 trẻ em, hỗ trợ phẫu thuật cho 311 trẻ em bị dị tật vận động, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho 600 trẻ em, phẫu thuật cho 250 trẻ em bị các bệnh về mắt, 395 trẻ em được khám và phẫu thuật sứt môi – hở hàm ếch, 133 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, khuyết tật các loại được hỗ trợ phẫu thuật, 3.200 trẻ em được khám sàng lọc và tư vấn phân loại bệnh miễn phí, hỗ trợ 2.313 suất học bổng và xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của tỉnh, tặng 18.945 suất quà cho trẻ em nhân ngày lễ Tết….. và nhiều các hoạt động thiết thực khác đã góp phần làm thay đổi số phận của hàng ngàn trẻ em, giúp các em có điều kiện hoà nhập cộng đồng.
(Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi)
Có thể khẳng định, Nghị quyết của HĐND tỉnh là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa to lớn đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015 thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Các mục tiêu chính của Nghị quyết đã hoàn thành, hàng ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật ở cộng đồng đã được hưởng lợi từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các hoạt động nhân đạo, nhân văn sâu sắc đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp các ngành và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
(Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn)
“Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai” vì vậy trẻ em phải được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, đó không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của các cấp các ngành, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội hướng tới mục tiêu :”Đảm bảo cho trẻ được thể hiện các quyền cơ bản và bổn phận của mình trong một xã hội an toàn, lành mạnh và phát triển”
Giao Linh